Từ mô hình chợ 4.0 -
thanh toán không dùng tiền mặt đầu tiên tại chợ Rồng (thành phố Nam Định) do
Viettel Nam Định hỗ trợ triển khai năm 2022 đã nhanh chóng nhân rộng thí điểm ở
cả 10 huyện, thành phố. Thời gian đầu đã có gần 1.000 tiểu thương tại 10 chợ
mở tài khoản và điểm thanh toán không dùng tiền mặt; trên 80% tiểu thương thực
hiện thanh toán số; 20% giao dịch mua bán tại chợ được thanh toán số. Tại huyện
Nghĩa Hưng, chợ Liễu Đề là đơn vị đầu tiên áp dụng mô hình chợ 4.0. Đa số tiểu
thương, người tiêu dùng rất hào hứng tham gia chợ công nghệ mới bởi mô hình này
giúp họ quản lý chính xác nguồn tiền hàng, không mất thời gian kiểm đếm, trả
lại hay nỗi lo về nhận tiền giả, tiền rách khi giao dịch với khách hàng.
Thêm vào đó, cách thanh toán này đặc biệt tiện ích cho cả thanh toán tiêu dùng
cũng như chi trả tiền hàng qua các ngân hàng. Trước sự tiếp nhận tích cực
của tiểu thương, huyện Nghĩa Hưng đã quyết định triển khai nhân rộng mô
hình chợ 4.0 ra 27 chợ hạng II và hạng III trên địa bàn. Trong đó chú trọng vào
2 dịch vụ chính là thanh toán không dùng tiền mặt và sử dụng các loại hóa đơn,
biên lai điện tử. Huyện đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2023, 100% tiểu
thương, hộ kinh doanh cá thể của các chợ được trang bị mã QR Code thanh toán
không dùng tiền mặt, 80% các Ban quản lý chợ thực hiện các khoản thu (phí điện,
thuê vị trí...) và chi trả lương cho cán bộ, nhân viên hưởng lương tại chợ bằng
hình thức không dùng tiền mặt.
Để hoàn thành mục tiêu
này, huyện Nghĩa Hưng đã yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức chính trị
- xã hội, UBND các xã, thị trấn, Ban quản lý chợ các xã, thị trấn phối hợp với
các doanh nghiệp viễn thông triển khai thực hiện mô hình chợ 4.0 trên địa bàn
theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Tăng cường tuyên truyền việc triển khai
thực hiện mô hình chợ 4.0 trong thanh toán không dùng tiền mặt trên cả hệ thống
loa truyền thanh, bảng tin, tại nhà văn hoá xóm, tổ dân phố các xã, thị trấn để
nhân dân biết và hưởng ứng. Phát huy vai trò Tổ công nghệ số cộng đồng để phổ
biến, hỗ trợ các tiểu thương, hộ kinh doanh cá thể đưa các sản phẩm tham gia
sàn thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt. Trên cơ sở đó, UBND
các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai mô hình chợ 4.0 đảm bảo
phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; xác định đây là nhiệm vụ trọng
tâm để phát triển nền kinh tế số. Ban Quản lý chợ phối hợp với các thành viên
Tổ công nghệ số cộng đồng và các doanh nghiệp viễn thông triển khai các nội
dung của mô hình chợ 4.0 trong thanh toán không dùng tiền mặt, lập danh sách,
phân loại các tiểu thương để có kế hoạch tuyên truyền, hỗ trợ các tiểu thương
tạo mã QR Code - thanh toán không dùng tiền mặt.
Các doanh nghiệp viễn
thông cung cấp cho tiểu thương mã QR Code (kèm với các phụ kiện) gắn với
tài khoản Viettel Pay, VNPT Money để phục vụ khách hàng thanh toán qua
quét mã. Xây dựng các điểm nạp, rút tiền mặt tại địa bàn để phục vụ tiểu thương
và người dân. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, hiện tại các đơn vị
cũng đang tích cực hỗ trợ tiểu thương tại các chợ và cơ sở kinh doanh tại khu
dân cư in QR Code, tặng các chân đế đặt mã QR Code tại các điểm bán hàng. Đến
thời điểm hiện tại Viettel Nam Định đã tổ chức tuyên truyền, triển khai chợ 4.0
trên tất cả các chợ cấp II và III trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng với khoảng 200
tiểu thương mở tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt và gần 5.000 giao dịch
được chấp nhận. Người dân từ thị trấn đến các chợ quê dần thích nghi và
đều thấy thuận tiện khi thanh toán không dùng tiền mặt. Chị Trần Thu Nga,
khách mua hàng tại chợ Đào Khê, xã Nghĩa Châu cho biết: Mọi khi về quê tôi
thường chuẩn bị tiền mặt để đi chợ nhưng nay thấy mã QR thanh toán điện tử xuất
hiện rất nhiều các cửa hàng tạp hóa, đồ khô, lương thực thực phẩm và thủy hải
sản và hàng ăn. Điều này rất thuận tiện bởi bây giờ nhiều gia đình có
con đi làm việc, sinh sống ở các đô thị, đã quen với việc thanh toán
không dùng tiền mặt, mỗi khi về quê thăm bố mẹ, ông bà sẽ không phải
lo rút tiền mặt mang theo để đi chợ, mua sắm ở quê. Bằng cách này
càng kích thích chi tiêu. Đây là bước đột phá về công nghệ mang lại tiện ích
và văn minh thương mại cho vùng nông thôn, đẩy nhanh tiến độ đưa kinh tế số,
cuộc sống số của người dân trên địa bàn tỉnh theo đúng chủ trương, định hướng
của tỉnh và xu thế công nghệ hiện đại.
Tuy nhiên, trong quá
trình triển khai, huyện Nghĩa Hưng vẫn còn gặp một số khó khăn: Một bộ
phận tiểu thương và người dân, nhất là người lớn tuổi và các chợ
nhỏ, chưa mặn mà với việc thanh toán số bởi ngại thay đổi thói quen
sử dụng tiền mặt; vẫn còn tâm lý e ngại chưa thành thạo khi sử dụng các ứng
dụng điện tử trong các giao dịch tài chính. Về hạ tầng viễn thông
nhiều người dân không đăng ký các gói cước 3G, 4G trong khi các chợ chưa
được đầu tư wifi miễn phí… Những khó khăn trên cần sự hỗ trợ của các ngành chức
năng, các doanh nghiệp viễn thông để huyện Nghĩa Hưng thực hiện hiệu quả độ
bao phủ chợ 4.0 với mục tiêu đưa thanh toán số trở thành công cụ thanh toán
chủ yếu đến với người dân, giao dịch từ những sản phẩm, hàng hoá có giá trị nhỏ
đến giá trị lớn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày thành hiện thực./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương