Xây dựng văn hóa công vụ trong các cơ quan hành chính nhà nước hiện nay
Xây dựng văn hóa
công vụ trong các cơ quan hành chính nhà nước hiện nay
Công vụ là hoạt động mang tính quyền lực - pháp lý được thực thi bởi
đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước hoặc những người khác khi được
nhà nước trao quyền, nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước trong
quá trình quản lý toàn diện các mặt hoạt động của đời sống xã hội. Hoạt động
công vụ hướng tới mục tiêu phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội ngày càng hiệu quả,
bảo đảm đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân,
do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Công vụ thường gắn liền với văn hóa công vụ, với những giá trị
cơ bản của hoạt động công vụ. Văn hóa công vụ là hệ thống những giá
trị, cách ứng xử, biểu tượng, chuẩn mực được hình thành trong quá trình xây dựng
và phát triển công vụ, có khả năng lưu truyền và có tác động tới tâm lý, hành
vi của người thực thi công vụ. Trong mối quan hệ với văn hóa nói chung, các nhà
nghiên cứu cho rằng, văn hóa công vụ bao gồm văn hóa vật thể và văn hóa phi vật
thể; là sản phẩm của con người trong hoạt động công vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của
cá nhân, tổ chức và xã hội; là hệ thống các giá trị được chấp nhận. Văn hóa
công vụ có thể học hỏi và lưu truyền qua các thế hệ, có thể bị lai tạp; thể hiện
ở các cấp độ khác nhau, như cá nhân, tổ chức hay hệ thống và phản ánh tầm nhìn,
sứ mệnh, các mục tiêu chính của công vụ… Văn hóa công vụ chứa đựng những nội
dung nhất định; những tiêu chuẩn hành vi; các nguyên tắc đạo đức lịch sử, truyền
thống.
Văn hóa công vụ thường được nhận biết ở những khía cạnh, như triết
lý, phương châm hành động; chiến lược, chương trình hành động; biểu
tượng; quy trình thủ tục, cách thức thực hiện và đánh giá kết quả thực thi công
vụ; trang phục; các chuẩn mực ứng xử...
Yêu cầu
xây dựng văn hóa công vụ trong bối cảnh mới
Trong suốt
các thời kỳ cách mạng, Đảng ta luôn đề cao vai trò quan trọng của văn hóa, coi
đó là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực quan trọng trong quá trình phát
triển đất nước. Việc chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, văn
hóa trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể được Đảng ta xác định là nhân tố
quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, trong đó trọng
tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo
đức, có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân
dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, có trách nhiệm với nhân dân và xã hội. Để
thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đó, việc xây dựng, thực thi và nâng cao văn
hóa công vụ trong các cơ quan hành chính nhà nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Nền hành chính nhà nước được tổ chức chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương; là
hệ thống trực tiếp tổ chức thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật và bảo đảm
cho đường lối, chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống; là cầu nối trực tiếp giữa
Đảng, Nhà nước với nhân dân; trực tiếp xử lý công việc hằng ngày, thường xuyên
tiếp xúc trực tiếp với nhân dân; thực hiện quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực
đời sống xã hội theo quy định của pháp luật; xử lý các tình huống, diễn biến
phát sinh trong đời sống xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã
hội. Chính vì vậy, xây dựng văn hóa công vụ trong cơ quan hành chính nhà nước sẽ góp
phần tạo ra môi trường văn hóa để mỗi cán bộ, công chức, viên chức không
ngừng học tập, rèn luyện, xứng đáng là những “công bộc” của dân, tôn trọng,
phục vụ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân; qua đó xây dựng mối quan hệ
mật thiết giữa cơ quan hành chính nhà nước với nhân dân, tạo nên nét đẹp văn
hóa của một nền hành chính văn minh, hiện đại, nhất là trong bối cảnh chúng ta
đang đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết
Đại hội XII của Đảng.
Thực tế cho thấy,
kể từ khi Chính phủ ban hành Quy chế Văn hóa công sở trong các cơ quan hành
chính nhà nước năm 2007, việc xây dựng, hình thành văn hóa công sở đã có nhiều
tác động tích cực, không ngừng gia tăng giá trị văn hóa trong hoạt động công vụ
ở các cơ quan công quyền, thúc đẩy sự phát triển của nền hành chính công vụ.
Một số giải pháp xây dựng văn hóa công
vụ trong bối cảnh mới hiện nay
Thứ nhất, tăng
cường công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của văn hóa công vụ nhằm
nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến mạnh mẽ cho cán bộ, công chức, viên chức về
tinh thần, thái độ làm việc, các chuẩn mực giao tiếp, ứng xử, đạo đức, lối
sống, nhằm tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có kỷ cương,
trách nhiệm, tận tụy, chuyên nghiệp.
Thứ hai, nghiên
cứu, đề xuất hoàn thiện quy định về văn hóa công vụ trong Luật Cán bộ, công
chức, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nghiên cứu, sửa đổi các
quy định, nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, tổ chức nhằm tạo cơ sở pháp lý
ngăn ngừa một cách bài bản những vi phạm về văn hóa công vụ. Tham mưu, đề
xuất sáng kiến, nỗ lực cải cách hành chính, xây dựng tác phong, lề lối công
tác, rèn luyện đạo đức công vụ, góp phần xây dựng một nền hành chính phục vụ,
xây dựng Chính phủ kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu
quả, xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Thứ ba, đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ
thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,
phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày
30-10-2016, của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng
khóa XII, về “Tăng cường xây
dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị,
đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội
bộ”; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung
ương, về “Trách nhiệm nêu gương của cán
bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên
Ban Chấp hành Trung ương”; Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23- 9-2019, của Bộ Chính trị khóa XII, về
“Việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy
quyền” trong các cơ quan hành chính nhà nước. Tích cực thực
hiện Đề án văn hóa công vụ. Đẩy mạnh các phong trào thi đua Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực
hiện văn hóa công sở; nhân rộng các mô hình tiêu biểu và cách làm hay
trong thực thi công vụ và xây dựng văn hóa công vụ; tạo môi trường và điều
kiện thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức giao lưu, chia sẻ những giải
pháp, cách làm hiệu quả trong triển khai nhiệm vụ.
Thứ tư, triển
khai đồng bộ các quy định về văn hóa công vụ trong tất cả các ngành và lĩnh
vực, các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Ứng dụng
rộng rãi công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ của các cơ quan, tổ chức,
hướng tới nâng cao năng suất lao động, giảm hội họp, giấy tờ hành chính và chế
độ báo cáo, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử. Cung cấp thông tin, dịch
vụ công trực tuyến mức độ cao, trên diện rộng cho người dân và doanh nghiệp;
niêm yết đầy đủ các thủ tục hành chính tại trụ sở nhằm làm cho hoạt động của cơ
quan, tổ chức được minh bạch hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện văn hóa công vụ theo chương
trình, kế hoạch hằng năm và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Kịp thời
biểu dương, khen thưởng những cán bộ, công chức, viên chức có thành tích, gương
mẫu trong thực hiện văn hóa công vụ.
Thứ năm, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên
môn, kĩ năng nghề nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức; đề cao đạo đức công
vụ, trách nhiệm xã hội, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi
công vụ, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có
uy tín, có chuyên môn giỏi, thông thạo nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức tốt,
luôn gần dân, biết lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tôn
trọng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân và phục vụ nhân dân ngày càng
tốt hơn. Xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ trong hoạt động cơ quan, tạo
sự đoàn kết, thống nhất, phát huy cao độ nguồn lực, sức mạnh của đội ngũ cán
bộ, công chức, viên chức. Tích cực thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày
25-10-2017, của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ
chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu
quả” nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động của
cả hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng và cao về chất
lượng, đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới.
-- Nguồn tin sưu tầm--