Nội dung cơ bản về cải cách hành chính trong “Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030” của Chính phủ
Lượt xem: 185

Nội dung cơ bản về cải cách hành chính trong “Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030”

của Chính phủ

 

Để tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 15/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP ban hành “Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030”.Theo đó, Chương trình tập trung vào 6 nội dung, đó là: Cải cách thể chế; Cải cách TTHC; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công và Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

1. Về nội dung của Chương trình

- Về xác định các nội dung của Chương trình: Chương trình xác định tập trung vào 6 nội dung, đó là: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công và Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Để phù hợp và đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới, Chương trình 2021 2030 có 2 nội dung mới, đó là: “Cải cách chế độ công vụ” thay cho “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” và “Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số” thay cho “Hiện đại hóa hành chính”. Việc đổi tên 2 nội dung này xuất phát từ đòi hỏi tất yếu của công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay khi nền công vụ của chúng ta chưa thực sự chuyên nghiệp, chưa thu hút được người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước; việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào công tác quản lý nhà nước vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, trong khi chúng ta đang đứng trước sự phát triển nhanh chóng và tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0).

- Về xác định các nội dung trọng tâm của Chương trình: Chương trình xác định trọng tâm cải cách hành chính 10 năm tới là: cải cách thể chế, trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển đất nước, trong đó, chú trọng cải cách chính sách tiền lương; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Như vậy, Chương trình đã bổ sung thêm một nội dung trọng tâm là “xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số”.

2. Về mục tiêu của Chương trình

Nếu như Chương trình 2011 – 2020, chỉ xác định mục tiêu chung, Chương trình này, ngoài việc xác định mục tiêu chung, thì Chương trình còn xác định mục tiêu cụ thể cho từng nội dung cải cách. Việc xác định rõ ràng như vậy sẽ làm cơ sở để chúng ta xác định rõ ràng hơn nhiệm vụ, giải pháp thực hiện từng nội dung của cải cách. Theo đó, Chương trình xác định mục tiêu cải cách hành chính giai đoạn 2021 – 2030 cụ thể nhưu sau:

* Mục tiêu chung

Tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, trên cơ sở những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong giai đoạn 2021 - 2030.

* Mục tiêu cụ thể

- Về cải cách thể chế: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính nhà nước, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực; nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, trọng tâm là thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, khoa học, công nghệ; tạo được bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển đất nước; tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức và toàn xã hội.

+ Đến năm 2025, cơ bản hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính nhà nước, trọng tâm là thể chế về tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển. Tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hoàn thiện thể chế và các khung khổ pháp lý để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phục vụ có hiệu quả việc xây dựng, phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

+ Đến năm 2030, hoàn thiện toàn diện, đồng bộ và vận hành có hiệu quả thể chế của nền hành chính hiện đại, thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo được bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển đất nước.

- Về cải cách thủ tục hành chính: Cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp; thủ tục hành chính nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch; đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau.

+ Đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% số quy định và cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020. Hoàn thành việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%. Trong đó, mức độ hài lòng về giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư đạt tối thiểu 85%...

+ Đến năm 2030, 100% thủ tục hành chính, có yêu cầu nghĩa vụ tài chính, được triển khai thanh toán trực tuyến, trong số đó, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 50% trở lên. Tối thiểu 90% thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương, có đủ điều kiện, được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4, đồng thời, hoàn thành việc tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 95%. Trong đó, mức độ hài lòng về giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư đạt tối thiểu 90%. Môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu.

- Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước: Tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, định rõ việc của cơ quan hành chính nhà nước; phân định rõ mô hình tổ chức chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Tăng cường đổi mới, cải tiến phương thức làm việc nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước và sắp xếp, tinh gọn hệ thống tổ chức cơ quan hành chính nhà nước các cấp theo quy định. Đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước; tăng cường rà soát, sắp xếp lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, có cơ cấu hợp lý và nâng cao hiệu quả hoạt động.

+ Đến năm 2025, hoàn thành việc nghiên cứu, đề xuất mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống hành chính nhà nước phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của nước ta trong giai đoạn mới. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức, khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống hành chính nhà nước. Hoàn thành việc sắp xếp thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thôn, tổ dân phố theo tiêu chuẩn quy định. Giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt tối thiểu 90%. Mức độ hài lòng của người dân về cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục công lập đạt tối thiểu 85%.

+ Đến năm 2030, tiếp tục sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức Chính phủ theo hướng giảm hợp lý đầu mối các bộ, cơ quan ngang bộ và giảm tương ứng số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; giảm mạnh đầu mối các tổ chức trung gian. Tiếp tục giảm bình quân 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025. Mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt tối thiểu 95%. Mức độ hài lòng của người dân về cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục công lập đạt tối thiểu 90%. Phân định rõ và tổ chức thực hiện mô hình chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

- Về cải cách chế độ công vụ: Xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài. Thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, dân chủ, công khai, minh bạch trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước.

+ Đến năm 2025, xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định.

+ Đến năm 2030, xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý; đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ: 50% - 60% số lãnh đạo, quản lý cấp phòng, vụ, cục, tổng cục và tương đương ở Trung ương, 25% - 35% số lãnh đạo, quản lý cấp sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và tương đương, trên 30% số lãnh đạo, quản lý cấp phòng trực thuộc sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và tương đương, 80% số lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ cao đẳng, đại học và được chuẩn hoá về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm việc.

- Về cải cách tài chính công: Đổi mới mạnh mẽ cơ chế phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập gắn với nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra, nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và thúc đẩy sự sáng tạo; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; kiểm soát tham nhũng tại các cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đổi mới cơ chế quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

+ Đến năm 2025, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật để đổi mới cơ chế quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước theo hướng bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và chủ động, tích cực của ngân sách địa phương. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính đối với các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Đến năm 2025, có tối thiểu 20% đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác, có đủ điều kiện, hoàn thành việc chuyển đổi thành công ty cổ phần hoặc chuyển sang tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.

+ Đến năm 2030, hoàn thiện đầy đủ và đồng bộ hệ thống pháp luật để thể chế hóa các chủ trương của Đảng về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021 - 2025.

- Về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp có đủ năng lực vận hành nền kinh tế số, xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức.

- Đến năm 2025, 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc. 100% Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh được kết nối, chia sẻ dữ liệu với cổng Dịch vụ công quốc gia. 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Triển khai nhân rộng Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện: 100% cấp tỉnh, 80% cấp huyện thực hiện họp thông qua Hệ thống này đối với các cuộc họp của Ủy ban nhân dân; 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước)…Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử.

+ Đến năm 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 100% hồ sơ công việc tại cấp bộ, cấp tỉnh; 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật). 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. Tối thiểu 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng. Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử.

Nhẳm hiện thực hóa các mục tiêu cơ bản nói trên, Chính phủ đã đề ra các giải pháp thiết thực hiệu quả, phù hợp vợi thực tiễn đó là: Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành việc triển khai thực hiện cải cách hành chính từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp và xã hội. Bố trí đủ nguồn tài chính và nhân lực cho cải cách hành chính. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với tạo động lực cải cách trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đổi mới phương pháp theo dõi, đánh giá định kỳ kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính; thường xuyên đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ số trong hoạt động của cơ quan hành chính nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính.

Như vậy, với Chương trình lần này, chúng ta thấy được rằng, Chính phủ rất quyết liệt trong công tác chỉ đạo cải cách hành chính nhà nước trong giai đoạn hiện nay nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ Nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch mà Nghị quyết Đại hội địa biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

 

Tin mới







image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân xã Nghĩa Lợi - Nghĩa Hưng - Nam Định
Địa chỉ: xóm Nam Điền - Xã Nghĩa Lợi - huyện Nghĩa Hưng - tỉnh Nam Định
Email: xanghialoi.nhg@namdinh.gov.vn
   ĐT: 02283873406 - 0914079688
Chung nhan Tin Nhiem Mang